AmCham: ‘Doanh nghiệp Mỹ tin vào đà phục hồi của kinh tế Việt Nam’

AmCham: ‘Doanh nghiệp Mỹ tin vào đà phục hồi của kinh tế Việt Nam’

AmCham: 'Doanh nghiệp Mỹ tin vào đà phục hồi của kinh tế Việt Nam'

Nói với Zing, Giám đốc điều hành AmCham khẳng định các doanh nghiệp Mỹ lạc quan về sự phục hồi lành mạnh, bền bỉ ở Việt Nam. Nhiều dự án đầu tư sẽ được nối lại sau 2 năm gián đoạn.

Trong cuộc trò chuyện với Zing, ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội – khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ là một tín hiệu rõ ràng cho thấy mọi thứ đang trở lại bình thường sau hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch.

Bất chấp những thách thức mới trên toàn cầu, từ lạm phát leo thang tới các ổ dịch Covid-19 mới làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ông Sitkoff vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và tương lai mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Mỹ.

Ông tin rằng những dự án đầu tư từng bị trì hoãn do đại dịch sẽ được khởi động lại. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam có thể hành động nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Khi cuộc sống dần trở lại bình thường, những dự án đầu tư từng bị trì hoãn do đại dịch sẽ được khởi động lại. Nhưng do các thách thức mới trên toàn cầu, doanh nghiệp có thể cân nhắc lại kế hoạch mở rộng.

Tái khởi động sau 2 năm gián đoạn

Ông kỳ vọng gì về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ, nhất là đối với khía cạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước?

Ngày nay, Mỹ và Việt Nam là đối tác và bạn bè thân thiết, điều mà trước đây, người ta từng coi là khó tưởng tượng được. Người dân của cả hai quốc gia đều ghi nhận rằng chúng ta đã vượt qua những bóng đen của quá khứ, để xây dựng một mối quan hệ bền chặt và mạnh mẽ.

Tình hữu nghị này được gắn kết trong sự tôn trọng lẫn nhau. Hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế toàn cầu, giáo dục, an ninh khu vực, an ninh lương thực và năng lượng, ứng phó với thiên tai và hơn thế nữa.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ là một tín hiệu rõ ràng cho thấy mọi thứ đang trở lại bình thường sau hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch.

 

Quan he kinh te My - Viet Nam anh 4
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng sẽ tham gia một số hoạt động và cuộc họp liên quan đến doanh nghiệp. Tôi mong chờ những tuyên bố mới về một số dự án trọng điểm và hợp tác kinh doanh.

Ông kỳ vọng như thế nào về tương lai của mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia?

Thương mại là nền tảng của mối quan hệ song phương. Những thay đổi lớn đã được thể hiện qua sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.

Ngay sau khi nối lại quan hệ kinh tế, một nhóm nhỏ người Mỹ đã thành lập Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) trong cuộc gặp ở khách sạn Dragon Hotel nằm gần Hồ Tây vào tháng 4/1994.

Các doanh nghiệp thành viên của AmCham đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều thành viên lâu năm của chúng tôi có vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa mối quan hệ song phương.

Cùng với nhau, các thành viên AmCham đã đóng góp vào hàng tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, hàng chục nghìn nhân viên trực tiếp, hàng trăm nghìn nhân viên gián tiếp, cũng như xuất khẩu và doanh thu thuế của Việt Nam.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ là một tín hiệu rõ ràng cho thấy mọi thứ đang trở lại bình thường sau hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội

Các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam có thể bắt đầu chậm, nhưng giờ đây, doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ đang hoạt động ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, giúp đất nước hội nhập trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra những công việc chất lượng, đóng góp vào quá trình giúp Việt Nam trở nên năng suất hơn, an toàn hơn và sạch hơn.

Vào năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 110 tỷ USD. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngay cả trong thời kỳ đại dịch.

Với tư cách là nhà đầu tư, các công ty Mỹ đang đầu tư vào sự thành công của Việt Nam và hướng tới một tương lai tươi sáng của đất nước.

Các doanh nghiệp Mỹ đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19, thưa ông?

AmCham và các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi lạc quan về sự phục hồi lành mạnh và bền bỉ ở Việt Nam, sau khi chúng ta chuyển sang sống chung an toàn với virus.

Yếu tố quan trọng nhất đối với môi trường đầu tư thuận lợi, sự duy trì và tăng trưởng của chuỗi cung ứng sản xuất là một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và tinh gọn, coi trọng sự đổi mới – không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn nhằm duy trì và tăng trưởng đầu tư hiện có.

Theo ông, nền kinh tế Việt Nam có những thế mạnh gì so với các nước khác trong khu vực?

Tôi luôn cho rằng Việt Nam được hưởng nhiều lợi thế hơn các nước láng giềng. Việt Nam có đường bờ biển dài, nguồn cung cấp thực phẩm lớn, lực lượng lao động năng động và hơn thế nữa

 

Quan he kinh te My - Viet Nam anh 5
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp ngày 11/5, tại Washington. Ảnh: TTXVN.

Chúng tôi đang làm việc tích cực với chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, giúp thu hút thêm các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi cuộc sống dần trở lại bình thường, tôi cho rằng những dự án đầu tư từng bị trì hoãn do đại dịch sẽ được khởi động lại.

Điều này sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng, các công ty phải cân nhắc lại mức độ rủi ro và kế hoạch mở rộng của mình.

Trong môi trường đó, Chính phủ cần tập trung thúc đẩy khả năng cạnh của đất nước và cải thiện môi trường kinh doanh. Tính ổn định và nhất quán trong chiến lược tổng thể của đất nước có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Việc thay đổi hướng dẫn, chiến lược tổng thể của địa phương không được gây ra sự thay đổi, chậm trễ hoặc bất cứ tác động tiêu cực nào tới địa điểm và sự phát triển của các dự án đầu tư.

Tôi cũng tin rằng tính minh bạch và khả năng dự đoán cao hơn trong hệ thống thuế có thể củng cố môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Chính phủ có thể hành động nhanh chóng để tăng sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó giúp thúc đẩy đà tăng trưởng liên tục của nền kinh tế.

Tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư

Các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào bởi lạm phát toàn cầu tăng cao, những ổ dịch Covid-19 mới và xung đột Nga – Ukraine?

Các cá nhân và doanh nghiệp ở mọi nơi đều bị ảnh hưởng bởi những thách thức mới trên toàn cầu. Lạm phát ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm, buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải nâng lãi suất. Điều đó có thể tác động lớn đến thế giới, bao gồm Việt Nam.

Chúng ta cũng đối mặt với tình trạng gián đoạn hoạt động kinh doanh do chính sách Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.

Xung đột Nga – Ukraine cũng tạo ra những bất ổn kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) – nước nhập khẩu lớn của Việt Nam.

Xung đột cũng là nguyên nhân chính dẫn đến giá năng lượng tăng cao và thúc đẩy lạm phát trên toàn cầu. Thêm vào đó, khách du lịch từ Trung Quốc và Nga chiếm khoảng 50% lượng khách du lịch đến Việt Nam.

Chính phủ có thể hành động nhanh chóng để tăng sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó giúp thúc đẩy đà tăng trưởng liên tục của nền kinh tế

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội

Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay, và sẽ tiếp tục gây ra những bất ổn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông có khuyến nghị gì giúp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam?

Chính phủ có thể hành động nhiều hơn để cải thiện môi trường kinh doanh, và giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tôi cho rằng những giới hạn đầu tư nước ngoài, khung pháp lý nghiêm ngặt và các thủ tục hành chính nghiêm ngặt cần được xem xét cẩn thận, nới lỏng có chọn lọc nhằm khuyến khích đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều doanh nhân vẫn lo ngại về những thay đổi trong chính sách và quy định. Đôi khi, các chính sách và quy định ở Việt Nam thiếu tính khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mọi người thường đặt câu hỏi rằng nên hỗ trợ các công ty trong nước hay nước ngoài. Nhưng theo tôi, tất cả đều quan tâm tới đà tăng trưởng liên tục của Việt Nam.

Vì thế, những động thái giúp tăng năng suất, giảm chi phí và rủi ro đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam sẽ cải thiện môi trường kinh doanh cho mọi nhà đầu tư, bất kể họ tới từ đầu.

Quan trọng hơn cả, việc giảm thiểu chi phí, giản lược bớt một số khâu không cần thiết trong hoạt động kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp của Việt Nam, nhiều trong số đó là những doanh nghiệp nhỏ. Điều đó cũng thúc đẩy tinh thần kinh doanh, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và giúp cho tăng trưởng tương lai của đất nước.

Sống và làm việc tại Hà Nội gần 20 năm, tôi đã nhìn thấy cơ hội lớn và tương lai tươi sáng của đất nước.

AmCham sẽ tiếp tục tìm cách giảm bớt các rào cản đối với thương mại, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh tiêu chuẩn cao, minh bạch và ổn định để đảm bảo rằng mọi nhà đầu tư đều có cơ hội tiếp cận công bằng tại Việt Nam.

Bài viết liên quan

TOP CATEGORIES

470

138

85

1389