Châu Á “đau đầu” vì đồng USD quá mạnh, dự trữ ngoại hối tụt dốc

Châu Á “đau đầu” vì đồng USD quá mạnh, dự trữ ngoại hối tụt dốc

Trong bối cảnh đồng USD đang không ngừng tăng giá và chịu thêm áp lực từ các mức thuế của chính quyền Trump, các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi châu Á đang phải “vắt óc” nghĩ ra đủ cách để bảo vệ đồng nội tệ của mình.

Indonesia – quốc gia vốn thường xuyên can thiệp để kiểm soát đồng Rupiah yếu – nay đã phải yêu cầu các công ty hàng hóa chuyển toàn bộ thu nhập từ nước ngoài về nước. Trong khi đó, Hàn Quốc lần đầu tiên sau 21 năm đã phải bán trái phiếu bằng đồng Won để tăng cường nguồn dự trữ bảo vệ tỷ giá.

Sức mạnh chưa từng thấy của đồng USD, cùng với lợi suất Mỹ cao và nguy cơ thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn do chính sách thương mại trừng phạt của Nhà Trắng, đã đẩy các quan chức tại các thị trường đang phát triển vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ không thể hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng vì lo ngại kích hoạt đà giảm của đồng nội tệ, trong khi can thiệp ngoại hối mạnh tay có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ.

“Đây là sự cân bằng vô cùng tinh tế”, Stefanie Holtze-Jen, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Deutsche Bank AG nói. “Bạn không muốn đồng tiền chịu áp lực vì khi đó sẽ có rủi ro dòng vốn chảy ra nước ngoài”.

Các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia bước sang năm mới với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào. Các cơ quan quản lý thường tìm cách ngăn chặn những biến động mạnh trên thị trường thay vì nhắm đến một mức tỷ giá cụ thể. Can thiệp – dù là qua thị trường giao ngay hay phái sinh – thường là tuyến phòng thủ đầu tiên.

Tuy nhiên, những biện pháp này tốn kém không ít: Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã giảm 80 tỷ USD so với mức kỷ lục 705 tỷ USD đạt được vào cuối tháng 9. Và gần đây Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) có dấu hiệu nới lỏng việc kiểm soát đồng Rupee.

 

Dù chưa thấy dấu hiệu các cơ quan quản lý đang cạn kiệt sức mạnh – hay những ý tưởng sáng tạo – nhưng rủi ro vẫn hiện hữu rõ ràng. Những bài học từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ ở Sri Lanka và Argentina là lời nhắc nhở về những hậu quả khi mọi thứ đi sai hướng.

Tuy nhiên, các thị trường mới nổi đang ngày càng sáng tạo hơn. Năm ngoái, Malaysia đã tìm cách nâng đỡ đồng nội tệ khỏi mức thấp nhất trong 26 năm bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp quốc doanh chuyển thu nhập đầu tư nước ngoài về nước.

Ngân hàng Trung ương Indonesia tung ra trái phiếu với lãi suất hấp dẫn nhằm thu hút vốn ngoại đầu tư vào rupiah, qua đó giúp ổn định tỷ giá đồng nội tệ. Còn Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ đồng Nhân dân tệ bằng cách hạn chế cho vay bằng đồng tiền này tại Hồng Kông.

Trong báo cáo, các chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings cho rằng Châu Á có thể sử dụng bộ công cụ đa dạng của mình, như yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển đổi thu nhập kiếm được ở nước ngoài, hạn chế nhập khẩu vàng, hoặc kích hoạt các hợp đồng hoán đổi. “Không có giải pháp nào phù hợp với tất cả”, họ nhận định.

https://vietstock.vn/2025/01/chau-a-dau-dau-vi-dong-usd-qua-manh-du-tru-ngoai-hoi-tut-doc-775-1265424.htm

Bài viết liên quan

TOP CATEGORIES

470

138

85

1389