Chính phủ sẽ cơ cấu lại thị trường trái phiếu, bất động sản

Chính phủ sẽ cơ cấu lại thị trường trái phiếu, bất động sản

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, năm 2023, Chính phủ ưu tiên cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản…

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký, ban hành Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Nghị quyết 01 được đưa ra trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới vẫn phức tạp. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraine, hậu quả dịch Covid-19… còn có thể kéo dài.

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt nhiều thách thức khi các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Trong bối cảnh này, Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Trong đó, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, bảo đảm ổn định hệ thống tài chính ngân hàng trong mọi tình huống là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của điều hành thị trường tài chính ngân hàng năm nay.

Với thị trường vốn, Chính phủ quyết tâm cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản. Việc lành mạnh hoá, phát triển an toàn, bền vững các thị trường này được coi là yếu tố giúp tăng nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ nền kinh tế.

“Không để mất an toàn hệ thống thị trường vốn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự”, Nghị quyết của Chính phủ nêu.

Nghị quyết cũng đưa ra nhiệm vụ xử lý dứt điểm 6 ngân hàng yếu kém, và 8 dự án chậm tiến độ đã được Bộ Chính trị cho chủ trương; xử lý nợ xấu… để hỗ trợ các tổ chức này từng bước phục hồi và khắc phục tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu… sẽ được quản lý, điều hành điều chỉnh chặt chẽ.

Chính phủ cũng chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ; giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Chính phủ giao các bộ, ngành chủ động theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để đưa ra giải pháp kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực với nền kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Kịch bản phát triển ngành, lĩnh vực cần được các cơ quan quản lý cập nhật định kỳ hằng quý.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thu nhập bình quân đầu người 4.400 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25,4-25,8%…

https://vnexpress.net/chinh-phu-se-co-cau-lai-thi-truong-trai-phieu-bat-dong-san-4559064.html

Bài viết liên quan

TOP CATEGORIES

470

138

85

1389