Đồng USD đánh mất niềm tin từ đồng minh Mỹ, giảm xuống mức đáy 3 năm

Đồng USD đánh mất niềm tin từ đồng minh Mỹ, giảm xuống mức đáy 3 năm

Đồng USD đang phải đối mặt với áp lực bán gia tăng trên thị trường tiền tệ khi cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump cùng thái độ không mặn mà với hợp tác quốc tế đang làm suy giảm niềm tin vào đồng tiền này.

Chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với đồng Yên, Euro và các đồng tiền chính khác, đã giảm xuống dưới ngưỡng 100 điểm vào ngày 17/04 – một mốc quan trọng đáng chú ý. Đồng tiền này đã sụt giảm khoảng 10% kể từ khi Trump nhậm chức cách đây gần ba tháng và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Trong khi đó, đồng bạc xanh cũng chạm mức khoảng 141 Yên, giảm 14 Yên chỉ trong vòng 3 tháng.

“Đây là một vết thương Mỹ tự gây ra. Đồng USD chỉ mới bắt đầu suy yếu về mặt cấu trúc”, Marc Seidner, Giám đốc đầu tư cho các chiến lược phi truyền thống tại Pimco, nhận định trong một báo cáo. “Các mức thuế quan được công bố của Mỹ nhằm hồi sinh ngành sản xuất trong nước trong dài hạn có thể trước tiên làm suy yếu nền kinh tế Mỹ và khơi dậy lạm phát, phủ mây đen lên nước này”.

“Với những thay đổi chính sách mang tính bảo hộ, Mỹ đang buộc các nhà đầu tư toàn cầu phải xem xét lại những giả định lâu nay về bối cảnh đầu tư tại Mỹ”, Seidner nhấn mạnh.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cũng chỉ ra rằng thị trường Mỹ đã giờ diễn biến như “các thị trường mới nổi” – nơi cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ đều giảm đồng thời, thay vì hiện tượng giá cổ phiếu giảm dẫn đến giá trái phiếu tăng.

“Mọi cuộc khủng hoảng tài chính trên thị trường mới nổi đều thấy một quốc gia rơi vào mẫu hình đó”, ông Summers phát biểu tại một sự kiện do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổ chức tại Washington. “Và đó là trước khi đề cập đến khả năng bán tháo các công cụ tài chính Mỹ quy mô lớn bởi những người nắm giữ dự trữ ngoại hối hoặc những chủ thể chịu ảnh hưởng từ Chính phủ nước ngoài”.

Niềm tin vào đồng USD đang suy giảm ngày càng rõ ràng qua nhiều dấu hiệu. Trong một cuộc trò chuyện không chính thức vào ngày 16/04, Giáo sư tài chính Đại học Chicago kiêm cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan đã hỏi Chủ tịch Fed Jerome Powell: “Liệu ông có sẵn sàng cung cấp USD cho các ngân hàng trung ương như đã từng làm trong quá khứ khi xảy ra tình trạng thiếu hụt USD trên toàn cầu?”.

“Chắc chắn rồi, chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng”, Powell khẳng định.

Trong quá khứ, khi các nhà đầu tư bán tháo tài sản định danh bằng USD trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hoặc đại dịch COVID-19 để đảm bảo thanh khoản, Fed đã bơm một lượng lớn USD thông qua các ngân hàng trung ương khác. Dù cuộc trao đổi ngày 16/04 tái khẳng định tấm đệm an toàn này vẫn còn hiệu lực, nó cũng phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về sự bất định về tương lai.

Reuters đưa tin vào tháng 3 rằng một số quan chức tiền tệ châu Âu đang đặt câu hỏi liệu họ có thể tiếp tục dựa vào Fed để cung cấp USD hay không. Jane Foley, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Rabobank, giải thích rằng điều này phản ánh cách các quốc gia châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD nhằm ứng phó với sự thay đổi lớn trong liên minh với Mỹ trong những tháng gần đây.

Các chuyên gia thị trường tin rằng Fed khó có khả năng cắt nguồn cung USD, vì điều này cũng giúp ngăn chặn tình trạng bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ và đẩy lợi suất tăng cao, gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. “Lý do chúng tôi làm điều đó là vì nó thực sự tốt cho người tiêu dùng Mỹ”, Powell giải thích.

Tuy nhiên, thị trường vẫn đồn đoán rằng Trump có thể vũ khí hóa đồng USD. Vào ngày 17/04, ông đã sử dụng mạng xã hội để công khai kêu gọi sa thải Chủ tịch Fed Powell. Lo ngại về sự độc lập của Fed chỉ càng làm tăng thêm áp lực bán đối với đồng USD.

Các quốc gia vốn đã duy trì khoảng cách với Mỹ hiện đang đẩy nhanh quá trình giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Sau khi chứng kiến tài sản bằng USD của Nga bị đóng băng sau cuộc xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022, Trung Quốc và nhiều nước khác đã nhanh chóng giảm lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ nắm giữ. Trong 3 năm qua, Trung Quốc và Brazil đã cắt giảm danh mục đầu tư này khoảng 10% đến 20%. Ấn Độ và Ả-Rập Saudi cũng đã giảm tài sản bằng USD trong năm qua.

Trump đã không giấu giếm sự không hài lòng với những nỗ lực của khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) nhằm tách khỏi đồng USD. Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, thị trường đầy rẫy đồn đoán rằng Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh việc bán trái phiếu Chính phủ Mỹ trong danh mục đầu tư của họ.

Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Trump, đã công bố một kế hoạch chính sách dài 41 trang vào tháng 11/2024, kêu gọi nỗ lực phối hợp giữa các đối tác thương mại để làm suy yếu đồng đô la. Kể từ đó, nhiều đồn đoán cho rằng Nhà Trắng dưới thời Trump sẽ thực sự tiến hành kế hoạch này để thiết lập một khuôn khổ được gọi là Hiệp định Mar-a-Largo.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có những nỗ lực chủ động để hạ giá đồng USD, chính sách kinh tế và ngoại giao của Trump đã tự nó làm suy yếu đồng tiền Mỹ.

Trong bối cảnh hệ thống tiền tệ toàn cầu tập trung vào đồng USD đang đến ngã ba đường, Nhật Bản cũng phải điều chỉnh chiến lược. Nhật Bản từng là quốc gia sử dụng nhiều nhất chương trình hoán đổi tiền tệ của Fed trong thời kỳ đại dịch, giúp xoa dịu nỗi lo lắng giữa các ngân hàng trong nước về việc tiếp cận đồng USD. Nhật Bản hiện vẫn là quốc gia nước ngoài nắm giữ nợ chính phủ Mỹ lớn nhất.

Trong các cuộc đàm phán thuế quan song phương sắp tới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng sẽ trao đổi về vấn đề tiền tệ.

“Nhật Bản có một quân bài để đưa ra, chẳng hạn như đề nghị chuyển đổi danh mục nắm giữ trái phiếu ngắn hạn sang trái phiếu Chính phủ Mỹ dài hạn để giảm bớt lo ngại của Mỹ về lãi suất tăng”, một nhà quản lý tài sản kỳ cựu tại một quỹ đầu tư mạo hiểm Nhật Bản nhận định.

Tuy nhiên, vị này cũng cảnh báo: “Sau Hiệp định Plaza, đồng USD đã giảm từ 250 Yên xuống 120 Yên chỉ trong khoảng hai năm. Nhật Bản không nên tham gia quá sâu vào các cuộc đàm phán tiền tệ”.

https://vietstock.vn/2025/04/dong-usd-danh-mat-niem-tin-tu-dong-minh-my-giam-xuong-muc-day-3-nam-772-1298137.htm

Bài viết liên quan

TOP CATEGORIES

470

138

85

1389