Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed

Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed

Liên tiếp dự báo sai và phải liên tục nâng lãi để chống lạm phát khiến Fed rơi vào thế bị động trong năm 2022.

Trong bài phát biểu cuối cùng của năm 2021, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói: “Không ai biết chắc chắn nền kinh tế sẽ đi về đâu trong một năm hoặc hơn nữa kể từ bây giờ”.

Và ông đã đúng. Washington Post nhận định năm 2022, Powell và các đồng nghiệp của ông tại Fed đã dự báo sai nhiều vấn đề. Ban đầu, họ liên tục đánh giá thấp lạm phát đang kìm hãm kinh tế Mỹ và toàn cầu. Đến khi nhận ra mình đã chậm chân trong việc kiểm soát giá tiêu dùng, Fed mới vội vã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.

Cuối 2021, họ dự định tăng lãi suất 3 lần năm 2022, đưa lãi suất lên 0,9%. Nhưng thực tế là họ gần như sẽ kết thúc năm nay với 7 lần tăng, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25-4,5%. Lý do được đưa ra là lạm phát cao bất ngờ, cuộc chiến ở Ukraine và thị trường lao động thắt chặt đáng kể.

Cứ sau vài tháng, Fed lại điều chỉnh mạnh dự báo về hướng đi của nền kinh tế, đồng thời hạ thấp kỳ vọng về các chỉ số quan trọng như lạm phát, tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động.

Các lần dự báo lãi suất kết thúc năm 2022 của Fed, từ trên xuống lần lượt là tháng 12/2021, 3/2022, 6/2022 và tháng 9/2022.

Fed liên tục nâng dự báo lãi suất cho cuối năm 2022, trong các đợt tháng 12/2021, 3/2022, 6/2022 và tháng 9/2022.

Tuần này, các lãnh đạo Fed sẽ có cuộc họp chính sách cuối cùng của năm, dự kiến tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%). Tốc độ này chậm hơn so với 4 lần nâng lãi gần đây.

Đồng thời, Fed cũng sẽ công bố loạt dự báo mới cho thấy lãi suất có thể tăng thêm bao nhiêu và duy trì ở mức cao trong bao lâu. Lãi suất cơ bản dự kiến lên trên 5% năm sau.

Claudia Sahm – nhà sáng lập Sahm Consulting kiêm cựu chuyên gia kinh tế của Fed nhận định trong vòng một năm kể từ khi bắt đầu tăng lãi năm nay, Fed sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 5%. “Mức độ và tốc độ tăng lãi suất của Fed rất bất ngờ. Đây là việc rất bất thường, trừ khi buộc phải làm”, ông đánh giá.

Theo các lãnh đạo Fed, việc dự báo kinh tế đang ngày càng khó khăn. Chính sách tăng lãi suất cũng có độ trễ và không có gì chắc chắn về việc liệu nền kinh tế có đang hướng tới suy thoái hay tránh được trong gang tấc hay không.

Trong bài phát biểu tại Viện Brookings tháng trước, ông Powell thừa nhận Fed “không có kinh nghiệm” dự báo sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã góp phần thúc đẩy lạm phát như thế nào.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một cuộc họp với Bộ Tài chính Mỹ tháng 9/2021. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một cuộc họp với Bộ Tài chính Mỹ tháng 9/2021. Ảnh: Reuters

Điều này có nghĩa Fed sẽ phải đánh giá toàn diện hơn những gì đang xảy ra trong nền kinh tế và xác định chính xác các điều kiện cần thiết để giảm lạm phát, thay vì chỉ dựa vào các mô hình sẵn có trước đây. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các dự báo, nhưng sẽ phải thận trọng và hoài nghi về các dự báo trong một thời gian. Điều đó đòi hỏi tăng cường quản trị rủi ro”, ông Powell nói.

Fed bắt đầu đưa ra các bản dự báo từ năm 2007 tại các cuộc họp vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12 hàng năm. Chúng phản ánh ước tính trung bình (của 19 người trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang thuộc Fed) về GDP, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất tham chiếu.

Các dự báo không mang tính ràng buộc và không nhằm xác định những gì Fed sẽ làm trong tương lai. Nhưng chúng là chìa khóa để truyền thông điệp của họ. Chúng được thiết kế để giảm thiểu những bất ngờ cho hệ thống tài chính.

Trong những thời điểm bình thường – không có đại dịch hay chiến tranh – các dự báo sẽ không thay đổi nhiều. Nhưng 2022 không phải là thời gian bình thường.

Những dự báo đầu tiên của năm được công bố vào tháng 3, khi Fed bắt đầu tăng lãi suất lần đầu kể từ đại dịch, thêm 25 điểm cơ bản. Vào thời điểm đó, họ cho rằng năm 2022 sẽ cần 7 lần tăng lãi suất, tăng so với 3 lần tuyên bố vài tháng trước. Lạm phát sẽ lên 4,3%, còn kinh tế sẽ tăng trưởng 2,8%.

Đến tháng 6, khủng hoảng Ukraine giáng đòn mạnh vào thị trường năng lượng toàn cầu và lạm phát vẫn đi lên. Fed tăng cường cuộc chiến chống lạm phát và cho biết lãi suất có thể tăng lên 3,4%, điều chỉnh dự báo lạm phát lên 5,2%. Tăng trưởng giảm xuống còn 1,7% và tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm nhẹ.

Sang tháng 9, khi vẫn buộc phải tăng lãi, Fed dự kiến có suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và tăng trưởng kinh tế chỉ còn 0,2%. Họ cũng ra tín hiệu lãi suất sẽ vượt 4% và tiếp tục tăng trong năm tới. Đây là thay đổi lớn trong cách hoạch định chính sách của Fed.

Chuyên gia kinh tế Kaleb Nygaard cho rằng dù Fed nhận ra họ khởi đầu chậm chạp và cần bắt kịp, họ vẫn đánh giá thấp mức độ cần phải tăng lãi suất. “Fed không lường trước được mình sẽ phải đi đâu trong năm nay”, vị chuyên gia bình luận.

Vậy năm 2023 sẽ ra sao? Những người theo dõi Fed ngày càng cho rằng lãi suất sẽ lên trên 5% năm tới. Kể từ lần dự báo cuối cùng vào tháng 9 của Fed, bức tranh kinh tế đã trở nên trái chiều: lạm phát tăng tốc trong một tháng, sau đó hạ nhiệt vào tháng tiếp theo; thị trường lao động thì chậm lại một chút nhưng vẫn thắt chặt.

Có thể ở lần dự báo trong cuộc họp tuần này, Fed sẽ cho thấy một sự điều chỉnh khác. Tháng trước, Chủ tịch Fed Boston Susan Collins nói rằng các số liệu gần đây đã kéo dự báo về lãi suất lên cao, nhưng Fed vẫn chưa tăng đến mức đó.

Năm qua, nền kinh tế đã không đi theo cách mà Fed mong đợi. Nhưng thông điệp của Powell từ cuối năm 2021 vẫn đúng, và có thể vẫn là dự đoán cho năm 2023, thậm chí xa hơn.

“Khi nền kinh tế trở nên hoàn toàn khác với những gì Fed mong đợi, lãi suất cũng vậy. Sẽ không ai nói rằng không thể thay đổi chính sách chỉ vì chúng tôi đã dự báo như thế vào tháng 12”, Chủ tịch Fed từng nói vào năm ngoái.

https://vnexpress.net/mot-nam-kinh-te-nam-ngoai-du-lieu-cua-fed-4547632.html

Bài viết liên quan

TOP CATEGORIES

470

138

85

1389