Nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ ‘ôm núi tiền’ vì không thấy cơ hội giải ngân

Nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ ‘ôm núi tiền’ vì không thấy cơ hội giải ngân

Các nhà đầu tư mạo hiểm ở Mỹ đang nắm giữ lượng tiền mặt cao kỷ lục 311 tỉ đô Mỹ khi họ tránh đặt cược đầy rủi ro vào các công ty khởi nghiệp (startup) non trẻ ở Thung lũng Silicon. Họ đang chịu áp lực trả lại vốn cho các tổ chức đã góp tiền vào các quỹ của họ.

Lượng vốn chưa giải ngân ở các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ ngày càng tăng cao khi họ hạn chế đặt cược vào các startup non trẻ. Ảnh: linkedin

Theo Công ty dữ liệu thị trường tư nhân PitchBook, các công ty đầu tư vốn mạo hiểm của Mỹ mới chỉ triển khai một nửa trong số kỷ lục 435 tỉ đô la Mỹ mà họ huy động được từ các nhà đầu tư tổ chức trong thời kỳ từ năm 2020 đến năm 2022.

Điều này khiến lượng tiền mặt dự trữ chưa sử dụng của họ, thường được gọi là “bột khô”, tăng lên mức cao kỷ lục 311 tỉ đô la. Họ đang trở nên thận trọng hơn trong bối cảnh định giá các startup suy giảm. Họ chỉ ưu tiên đầu tư cho các startup đã trưởng thành hoặc hỗ trợ thêm cho danh mục đầu tư hiện tại.

Thrive Capital, một trong những công ty mạo hiểm hoạt động tích cực nhất, có trụ sở ở New York, đã ký một số séc lớn cho những công ty đã có trong danh mục đầu tư vào năm ngoái. Các khoản giải ngân này bao gồm 1,8 tỉ đô la rót thêm vào hãng công nghệ tài chính Stripe, có mức định giá 50 tỉ đô la. Thrive Capital cũng đang tiến hành mua cổ phiếu từ nhân viên của OpenAI, chủ sở hữu của ChatGPT, trong một thỏa thuận định giá công ty này mức 86 tỉ đô la.

“Lượng bột khô chắc chắn đang rất nhiều, nhưng không có nghĩa thế giới tràn ngập tiền đầu tư mạo hiểm”, Ibrahim Ajami, người đứng đầu bộ phận đầu tư mạo hiểm của Mubadala Capital, một đơn vị của quỹ đầu tư quốc gia Mubadala Investment Company của Tiểu vương quốc Abu Dhabi thuộc UAE, đang quản lý 276 tỉ đô la, bình luận.

Ajami nói thêm, rất nhiều “bột khô” sẽ được sử dụng để “dọn dẹp mớ hỗn độn” được tạo ra trong thời kỳ lãi suất cực thấp, vốn đang xuất hiện khi lãi suất tăng, khiến các startup đối mặt với chi phí vay vốn cao hơn.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã huy động được một lượng tiền mặt lớn chưa từng có trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Chẳng hạn, Andreessen Horowitz, có trụ ở California, huy động được 4,5 tỉ đô la để nhắm tới lĩnh vực tiền ảo. Tiger Global Management huy động được 12,7 tỉ đô la cho một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất từ trước đến nay.

Nhưng giờ đây, các quỹ mạo hiểm đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc hoàn trả vốn cho những bên hậu thuẫn tài chính cho họ, gồm các nhà đầu tư tổ chức, quỹ hiến tặng và quỹ hưu trí, được gọi chung là “đối tác hữu hạn” (LP).

Các LP này thường được hoàn trả vốn và lợi nhuận nếu các quỹ đầu tư thoái vốn thành công từ các startup khi chúng được nhà đầu tư khác thâu tóm hoặc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, cơ hội thoái vốn ít ỏi khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ chỉ phân phối lại 21 tỉ đô la cho các LP trong năm ngoái. Con số này chỉ bằng 1/7 tổng số tiền mà họ thanh toán cho các LP vào năm 2021, theo PitchBook.

“Các LP thường không thích gây áp lực, buộc các quỹ đầu tư mạo hiểm phải giải ngân. Nhưng nếu bước vào năm thứ ba mà các quỹ vẫn không triển khai nhiều vốn, các LP sẽ bắt đầu yêu cầu dừng trả phí”, một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon cho biết.

Hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm tiếp tục tính phí quản lý đối với các LP dù họ có giải ngân vốn hay không. Tuy nhiên, Sequoia Capital, một trong những công ty đầu tư công nghệ hàng đầu ở Mỹ, bắt đầu miễn tính phí quản lý đối với số vốn của các LP chưa giải ngân ở các quỹ của công ty.

Người đứng đầu bộ phận đầu tư tại một quỹ hiến tặng lớn ở Mỹ cho biết ông muốn các quỹ đầu tư mạo hiểm mà ông đã ủng hộ, bao gồm một số tên tuổi lớn nhất ở Thung lũng Silicon, trả lại một số tiền. Ông nói: “Trong vụ bong bóng công nghệ bùng vỡ đầu tiên vào năm 2000, có một số quỹ cắt giảm đáng kể quy mô. Tôi hy vọng các công ty mạo hiểm hiện nay cũng sẽ làm như vậy”.

Khi các quỹ đầu tư mạo hiểm “ôm” tiền mặt dự trữ quá lâu, các startup non trẻ không có con đường rõ ràng để kiếm lợi nhuận hoặc lối thoát sinh lời. Thay vào đó, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro mức định giá suy giảm mạnh và có khả năng sụp đổ.

Theo PitchBook, số startup sụp đổ đã tăng gấp đôi trong năm qua. Các startup từng có giá trị hơn 1 tỉ đô la bao gồm Hopin (nền tảng tổ chức sự kiện trực tuyến) và Convoy (nền tảng gọi xe tải) nằm trong số những nạn nhân.

“Ở một khía cạnh nào đó, ‘bột khô’ là một ảo ảnh. Đó là một con số lý thuyết. Các công ty nằm trong danh mục đầu tư trong các quỹ mạo hiểm đang cảm thấy căng thẳng tài chính hơn bao giờ hết. Đối với họ, ý niệm về con đường tăng trưởng và phát triển mà không cần tạo ra lợi nhuận trước mắt và vòi tiền mặt luôn có sẵn không còn nữa”, Nigel Dawn, người đứng đầu toàn cầu về tư vấn vốn cổ phần tư nhân của ngân hàng đầu tư Evercore, nói.

Bài viết liên quan

TOP CATEGORIES

470

138

85

1389