Phục hồi nhanh sau đại dịch, xuất nhập khẩu TP.HCM tăng trưởng ấn tượng

Phục hồi nhanh sau đại dịch, xuất nhập khẩu TP.HCM tăng trưởng ấn tượng

Hoạt động xuất nhập khẩu của TP.HCM vẫn tiếp đạt những bước tăng trưởng ấn tượng, mặc dù Việt Nam không tránh khỏi chịu tác động nặng nề của tình hình khó khăn chung của thế giới: Xung đột vũ trang Nga – Ukraine và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc…

Xuất nhập khẩu TP.HCM tiếp tục đạt những bước tăng trưởng ấn tượng.

Trong 9 tháng năm 2022, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Là nền kinh tế có độ mở lớn, tuy nhiên TP.HCM vẫn đạt được những bước tăng trưởng ấn tượng.

NHÓM HÀNG CÔNG NGHIỆP DẪN ĐẦU VỀ GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, ước tính tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 4.156,2 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 4.022,0 triệu USD, tăng 2,2%.

Nếu tính tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của Thành phố thì tổng kim ngạch xuất khẩu (gồm cả dầu thô) trong tháng 9/2022 đạt 3.504,4 triệu USD, giảm 7,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 197,5 triệu USD, giảm 27,4%; khu vực kinh tế tư nhân nhà nước đạt 1.129,9 triệu USD, giảm 9,8%; khu vực kinh tế FDI đạt 2.177,0 triệu USD, giảm 3,4%.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 36.960,9 triệu USD, tăng 13,8% so cùng kỳ 2021; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 35.266,9 triệu USD, tăng 13,0%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp TP.HCM xuất qua cảng Thành phố gồm cả dầu thô, trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 32.452,7 triệu USD, tăng 9,4% so cùng kỳ.

Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 2.182,2 triệu USD, tăng 27,4%; khu vực kinh tế tư nhân đạt 10.202,8 triệu USD, tăng 21,6%; khu vực FDI đạt 20.067,7 triệu USD, tăng 2,6%.

Nhìn vào các số liệu, dễ thấy tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu luôn thuộc về khu vực FDI, kế đến là khối doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả tăng trưởng giảm trong tháng 9.

Doanh nghiệp FDI kéo kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM.
Doanh nghiệp FDI kéo kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu qua cảng TP.HCM trong 9 tháng năm 2022 của doanh nghiệp Thành phố (không tính dầu thô), nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 22.744,6 triệu USD, tăng 13,3% so cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 73,9%.

Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu đạt 12.057,7 triệu USD (giảm 1,9%); kế đến là dệt may, giá trị xuất khẩu đạt 3.511,0 triệu USD (tăng 47,4%); máy móc trang thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 2.071,4 triệu USD (tăng 36,7%); giày dép có giá trị xuất khẩu đạt 1.901,3 triệu USD (tăng 48,0%).

Tiếp theo là nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt 3.301,7 triệu USD, tăng 11,5% so cùng kỳ và chiếm 10,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Gạo đạt 897,5 triệu USD, tăng 8,7%; cà phê đạt 480,2 triệu USD, tăng 19,2%; và cao su đạt 446,1 triệu USD, giảm 5,7%.

Đứng thứ ba là nhóm hàng hóa khác đạt 3.243,4 triệu USD (giảm 24,7%) và chiếm tỷ trọng 10,5%. Hai nhóm sau cùng là nhóm thủy hải sản đạt 971,2 triệu USD, tăng 70,8% (tỷ trọng 3,2%) và nhóm lâm sản đạt 497,8 triệu USD, tăng 1,8% (tỷ trọng 1,6; đây không thuộc nhóm lợi thế của TP.HCM, chiếm tỷ trọng thấp song vẫn đạt tăng trưởng ấn tượng.

Riêng mặt hàng dầu thô đạt tăng trưởng tốt. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu trong 9 tháng năm 2022 đạt 2.026,9 nghìn tấn (giảm 16,5% so cùng kỳ), đạt giá trị 1.694,0 triệu USD và tăng 34,7%.

Về thị trường xuất, Cục Thống kê TP.HCM cho biết Trung Quốc là thị trường đứng đầu với kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2022 đạt 7.256,3 triệu USD, tăng 1,9% so cùng kỳ và chiếm 22,4% tỷ trọng xuất khẩu.

Kế đến là thị trường Mỹ, đạt 5.741,1 triệu USD, tăng 21,6% và chiếm 17,7% tỷ trọng. Hai thứ hạng tiếp theo gồm: Nhật Bản (đạt 2.197,4 triệu USD, tăng 26%, chiếm 6,8) và Hồng Kông (đạt 1.808,1 triệu USD, giảm 40,1% và chiếm 5,6%). Riêng khối EU, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố sang thị trường này đạt 4.558,8 triệu USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 14,0%.

TĂNG NHẬP KHẨU ĐỂ PHỤC VỤ SẢN XUẤT

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 48.764,5 triệu USD, tăng 10,3% so cùng kỳ 2021. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cảng Thành phố đạt 39.477,9 triệu USD, tăng 8,4% so cùng kỳ.

Trong đó, Khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.046,8 triệu USD, tăng 37,5%; khu vực kinh tế tư nhân đạt 20.197,2 triệu USD, tăng 14,5%; khu vực FDI đạt 18.233,9 triệu USD, tăng 1,2%.

Cơ cấu nhóm hàng hóa nhập khẩu qua cảng Thành phố trong 9 tháng năm 2022, đứng đầu là nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 17.991,3 triệu USD, giảm 5,7%, chiếm 47,6% tỷ trọng hàng nhập khẩu.

Tiếp đến là nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 13.973,9 triệu USD, tăng 14,4% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 37,0%. Nhóm hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng 5,4% đạt 2.040,5 triệu USD và tăng 40,2%…

Nguyên, vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất của TP.HCM tăng cao.
Nguyên, vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất của TP.HCM tăng cao.

Có thể đơn cử một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong 9 tháng năm 2022 như sau: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 11.421,0 triệu USD, chiếm 28,9% giá trị nhập khẩu); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (đạt 4.050,6 triệu USD, tỷ trọng 10,3%); chất dẻo nguyên liệu (đạt 1.647,0 triệu USD, tỷ trọng 4,2%); sắt thép các loại (đạt 1.617,1 triệu USD, tỷ trọng 4,1%)…

Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM đạt 85 tỷ 725,4 triệu USD. Cán cân thương mại nhập siêu xấp xỉ 11,8 tỷ USD.

Nếu so với 9 tháng năm 2021 là năm TP.HCM chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM đạt 67 tỷ 302 triệu USD; trong đó kim ngạch nhập khẩu chiếm 38.716 triệu USD, cán cân nhập siêu của TP.HCM đạt 10 tỷ 130 triệu USD.

Tính chung cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TP.HCM đạt 101.821,7 triệu USD (xuất khẩu 43.896,9 triệu USD; nhập khẩu 57.924,8 triệu USD).

Qua các số liệu trên cùng dẫn chứng, ghi nhận TP.HCM là đầu tàu, trung tâm kinh tế cả nước, tăng trưởng kinh tế ổn định với tốc độ bình quân cao gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước, đóng góp 22% trong tổng GDP và 28% ngân sách cả nước.

Tăng nhập khẩu qua cơ cấu các nhóm hàng nhập khẩu, gồm máy móc, trang thiết bị phụ tùng, nguyên nhiên vật liệu,… là đầu vào phục vụ sản xuất. Tỷ trọng hai nhóm hàng phục vụ sản xuất là máy móc, trang thiết bị, phụ tùng và nguyên nhiên vật liệu chiếm gần 85% tổng hàng hóa nhập khẩu.

https://vneconomy.vn/phuc-hoi-nhanh-sau-dai-dich-xuat-nhap-khau-tp-hcm-tang-truong-an-tuong.htm

Bài viết liên quan

TOP CATEGORIES

470

138

85

1389