Thị trường ngày 2/11: Giá dầu tăng 2%, vàng, quặng sắt, cao su tăng, dầu cọ đạt đỉnh 10 tuần

Thị trường ngày 2/11: Giá dầu tăng 2%, vàng, quặng sắt, cao su tăng, dầu cọ đạt đỉnh 10 tuần

Đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ dỡ bỏ những biện pháp nghiêm ngặt chống COVID-19 đã giúp giá dầu, đồng, quặng sắt… khởi sắc. Tuy nhiên, giá khí đốt giảm sâu trong phiên vừa qua, cà phê cũng trở lại mức thấp nhất hơn 1 năm.

Dầu tăng gần 2%

Giá dầu tăng do lạc quan rằng Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, có thể gỡ bỏ những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống COVID 19.

Giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 1 tăng 1,84 USD, tương đương 2 %% lên 94,65 USD/thùng.

Giá dầu thô trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 1,84 USD, tương đương 2,1%, lên 88,37 USD, sau khi giảm 1,6% trong phiên trước.

Có thông tin rằng Trung Quốc đang xem xét gỡ bỏ những biện pháp nghiêm ngặt chống COVID và mở cửa thị trường trở lại vào tháng 3/2023.

OPEC vào thứ Hai đã nâng dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn, nói rằng cần có 12,1 nghìn tỷ USD đầu tư để đáp ứng nhu cầu này.

Vàng tăng hơn 1%

Giá vàng tăng hơn 1% vào thứ Ba khi đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu trượt khỏi mức cao nhất trong phiên, với trọng tâm theo dõi là một thông báo quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) kỳ vọng sẽ cho các dấu hiệu về việc liệu họ sẽ giảm quy mô hay giữ nguyên lập trường tích cực về tăng lãi suất.

Giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.647,24 USD/ounce, trong phiên có lúc tăng tới 1.696,94 USD; vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 0,6% lên 1.649,70%.

Chỉ số Dollar index đã giảm trở lại từ mức cao nhất trong một tuần. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm do suy đoán rằng Fed tuần này có thể báo hiệu tốc độ thắt chặt chính sách chậm lại, ngay cả khi dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 10.

Đồng tăng

Giá đồng tăng vào thứ Ba do tin đồn nước tiêu dùng hàng đầu thế giới – Trung Quốc – có thể dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt chống COVID trong năm tới làm dấy lên hy vọng về nhu cầu sẽ mạnh hơn.

Giá đồng giao hợp đồng tham chiếu trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 2,6% lên 7.643,50 USD/tấn.

Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy chi tiêu xây dựng của Mỹ bất ngờ phục hồi trong tháng 9 nhưng sản lượng nhà máy toàn cầu suy yếu trong tháng 10 do lo ngại suy thoái, lạm phát cao và chính sách Zero COVID của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến nhu cầu.

Tại Trung Quốc, dữ liệu về nhà máy đã vượt qua kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng hoạt động giảm xuống.

Giá đồng đã giảm 30% so với mức đỉnh hồi tháng 3 do áp lực bởi sự suy giảm kinh tế.

Cao su tăng

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản kết thúc chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, theo xu hướng giá cao su ở Thượng Hải và giá cổ phiếu của Nhật Bản giảm, ngay cả khi hoạt động sản xuất yếu kém ảnh hưởng đến tâm lý.

Hợp đồng cao su giao tháng 4 của Sở giao dịch Osaka tăng 5,9 yên, tương đương 2,9%, lên 214,9 yên (1,45 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 490 nhân dân tệ lên 12.190 nhân dân tệ (1.674 USD)/tấn.

Hoạt động sản xuất của Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 21 tháng vào tháng 10 do sản lượng và tổng số đơn đặt hàng mới giảm rõ rệt, do xuất khẩu bị ảnh hưởng một phần do tình hình kinh doanh kém ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabica giao tháng 12 giảm 3,1 cent, tương đương 1,7% xuống 1,746 USD/lb, quay trở lại mức thấp nhất trong 15 tháng là 1,6775 USD được thiết lập vào thứ Sáu.

Nhà môi giới và phân tích HedgePoint dự kiến ​​vụ mùa 2023/24 của Brazil sẽ tăng tới 10% do điều kiện khí hậu tốt.

Cà phê robusta giao tháng 1 giảm 14 USD, tương đương 0,8% xuống 1.839 USD/tấn, sau khi thiết lập mức thấp nhất trong 14 tháng là 1.826 USD.

Ngô, lúa mì và đậu tương tăng

Giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ tăng khoảng 2% vào thứ Ba, được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu hụt khi vụ thu hoạch của Mỹ giảm xuống, hy vọng về doanh số xuất khẩu sang Trung Quốc và sự không chắc chắn về nguồn cung sẵn có từ Nam Mỹ.

Giá lúa mì kỳ hạn cũng tăng, phục hồi từ những đợt giảm ban đầu khi các thương nhân tập trung chú ý tới sự không chắc chắn về các chuyến hàng ngũ cốc từ hành lang xuất khẩu Biển Đen và lo lắng về vụ mùa ở Nam Bán cầu. Giá ngô cũng theo xu hướng tăng.

Kết thúc phiên, trên sàn giao dịch thương mại Chicago, giá đậu tương giao tháng 1 tăng 28-1/4 cent ở mức 14,47-3/4 USD/bushel, sau khi đạt 14,49 USD, mức cao nhất của hợp đồng kể từ ngày 23/9. Giá lúa mì giao tháng 12 tăng 20-1/4 cent lên 9,02-1/2 USD/bushel, và ngô giao tháng 12 tăng 6-1/4 cent lên 6,97-3/4 USD/bushel.

Dầu cọ cao nhất 10 tuần

Giá dầu cọ Malaysia tăng ngày thứ hai liên tiếp lên mức cao nhất gần 10 tuần, khi Nga rút lui khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen làm gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu ăn toàn cầu.

Hợp đồng dầu cọ giao tháng 1 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 187 ringgit, tương đương 4,61%, lên 4.241 ringgit (895,67 USD)/tấn, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 25/8.

Các chuyến hàng dầu hướng dương từ khu vực Biển Đen đã bị cản trở bởi xung đột Nga-Ukraine và có thể bị gián đoạn thêm bởi động thái mới nhất của Nga.

Khí gas giảm

Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm khoảng 10% vào thứ Ba, sau khi tăng 12% vào thứ Hai khi các nhà giao dịch chốt lời trong thời kỳ biến động mạnh sau khi các dự báo mới nhất cho thấy thời tiết vẫn ôn hòa trong hai tuần tới .

Giá khí đốt Mỹ giao tháng 12 giảm 64,1 cent, tương đương 10,1%, xuống còn 5,714 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Đây là mức giảm tính theo tỷ lệ phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ khi giảm 17% vào cuối tháng 6.

Vào thứ Hai, hợp đồng này đã tăng khoảng 12% lên mức cao nhất kể từ ngày 14 tháng 10.

Trên thị trường châu Âu, giá khí đốt tiếp tục xu hướng giảm của phiên liền trước do nhu cầu thấp và sản lượng điện gió tăng cao.

Giá khí đốt bán buôn của Anh và Hà Lan giảm trong khi nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào châu Âu vẫn ở mức cao do tiêu dùng ở châu Á giảm.

Giá LNG tại Hà Lan kỳ hạn tháng 12 giảm 7 euro xuống 115,50 euro mỗi megawatt giờ (MWh), trong khi hợp đồng giao tháng 1 giảm 1,60 euro xuống 126,10 euro/MWh.

Giá khí đốt chuẩn của châu Âu đã dao động trong hai tuần qua, chủ yếu trong khoảng 100 đến 120 euro/MWh, gần mức trước khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine.

Thị trường ngày 2/11: Giá dầu tăng 2%, vàng, quặng sắt, cao su tăng, dầu cọ đạt đỉnh 10 tuần - Ảnh 1.

Giá khí đốt ở châu Âu.

 

 

Quặng sắt hồi phục

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng hôm thứ Ba do yếu tố kỹ thuật, sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 10, nhưng triển vọng nhu cầu kém ở Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến tâm lý.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 kết thúc phiên tăng 2,5% lên 628 nhân dân tệ (86,30 USD)/tấn, sau khi giảm 2,2% trước đó trong cùng phiên xuống 599,50 nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ ngày 22/7.

Trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), hợp đồng quặng sắt giao tháng 12 tăng 0,3% lên 77,40 USD/tấn, nhưng vẫn giảm hơn 50% so với mức cao nhất trong tháng 4 trên 160 USD.

Các hoạt động ở nhà máy của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm xuống, ảnh hưởng nặng hơn đến triển vọng nhu cầu đối với kim loại và cho thấy sự phục hồi kinh tế yếu hơn trong quý IV.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 2/11:

Thị trường ngày 2/11: Giá dầu tăng 2%, vàng, quặng sắt, cao su tăng, dầu cọ đạt đỉnh 10 tuần - Ảnh 2.
https://cafef.vn/thi-truong-ngay-2-11-gia-dau-tang-2-vang-quang-sat-cao-su-tang-dau-co-dat-dinh-10-tuan-20221102072542689.chn

Bài viết liên quan

TOP CATEGORIES

470

138

85

1389