Toàn cảnh hàng hóa 2024: Cà phê và vàng lên đỉnh, lithium chạm đáy

Toàn cảnh hàng hóa 2024: Cà phê và vàng lên đỉnh, lithium chạm đáy

Năm 2024 chứng kiến những diễn biến trái ngược trên thị trường hàng hóa thế giới. Trong khi nhóm nông sản và kim loại quý tỏa sáng rực rỡ, nhóm năng lượng và kim loại công nghiệp lại ảm đạm đến bất ngờ. Đáng chú ý, cà phê đã vượt xa 20 mặt hàng còn lại để trở thành “ngôi sao” sáng giá nhất của năm.

Thành tích của 20 loại hàng hóa đáng chú ý trong năm 2024

Cà phê lên đỉnh

Trên thị trường cà phê, hợp đồng tương lai của cà phê arabica đã liên tục phá vỡ kỷ lục, với mức tăng ấn tượng 70% so với năm ngoái. Thời tiết khắc nghiệt tại hai quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là nguyên nhân chính của đợt tăng giá này.

Brazil trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua, trong khi Việt Nam phải đối mặt với cả hạn hán lẫn mưa lớn. Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong nửa đầu năm đã giảm 11.4% xuống còn 893,820 tấn, khiến các nhà giao dịch lo ngại về nguồn cung trong năm 2025.

Diễn biến giá cà phê

Trái ngược với đà tăng của cà phê, lithium lại trở thành mặt hàng có hiệu suất kém nhất năm 2024. Giá lithium hydroxide trên sàn COMEX đã giảm 42.3% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tình trạng dư cung khi công suất sản xuất tăng mạnh trong khi nhu cầu từ thị trường xe điện bắt đầu chững lại.

Vàng tiếp tục lấp lánh

Trên thị trường kim loại quý, vàng tiếp tục khẳng định vai trò là kênh trú ẩn an toàn với việc liên tục thiết lập mức giá cao mới trong năm 2024. Trong năm qua, giá vàng thế giới đã tăng gần 30% và hơn 40 lần lập kỷ lục mới. Vàng thế giới có lúc ở mức cao nhất vượt mốc 2,800 USD.

Diễn biến giá vàng thế giới

Theo phân tích của chuyên gia Kar Yong Ang từ Octa Broker, 3 yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của vàng bao gồm: Nhu cầu trú ẩn an toàn do căng thẳng địa chính trị leo thang, dòng tiền đầu tư khi chính sách tiền tệ toàn cầu bớt thắt chặt, và nhu cầu từ các ngân hàng trung ương trong xu hướng phi đô la hóa. Bạc cũng không kém cạnh khi ghi nhận mức tăng 28.6% so với năm ngoái.

Đáng chú ý, thị trường dầu thô lại đi ngược với kỳ vọng khi giá giảm so với năm trước, bất chấp căng thẳng địa chính trị leo thang .

Nguyên nhân chính đến từ các nước ngoài OPEC, đặc biệt là Mỹ, đã gia tăng sản lượng, cùng với những lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Diễn biến giá dầu Brent

Hàng hóa nào sẽ tỏa sáng trong năm 2025?

Nhìn sang năm 2025, các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường hàng hóa, đặc biệt là với nhóm kim loại cơ bản và kim loại quý. “Năm 2025 sẽ là một năm tuyệt vời”, ông Ajay Kedia, Giám đốc Kedia Commodities nhận định. Theo ông, việc các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất sẽ là động lực chính hỗ trợ cho giá kim loại cơ bản như đồng, kẽm và nhôm.

Với thị trường vàng, ông Amit Goel, đồng sáng lập PACE 360, dự báo kim loại quý này sẽ có một đợt tăng giá mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2025. “Môi trường vĩ mô năm 2025 đang trở nên thuận lợi hơn rất nhiều so với những tháng gần đây”, ông phân tích và chỉ ra 3 yếu tố hỗ trợ chính: Chỉ số đồng USD nhiều khả năng sẽ giảm trong quý 1/2025, lãi suất trái phiếu Mỹ đang gần chạm đỉnh, và đồng Yên đang tiến gần đáy.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về những yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến thị trường trong năm tới. Căng thẳng địa chính trị từ các cuộc xung đột ở Nga-Ukraine và Trung Đông, cùng với Donald Trump trở lại chính trường Mỹ được cho là những biến số có thể tác động mạnh đến chu kỳ tiêu thụ hàng hóa toàn cầu.

https://vietstock.vn/2024/12/toan-canh-hang-hoa-2024-ca-phe-va-vang-len-dinh-lithium-cham-day-759-1256457.htm

Bài viết liên quan

TOP CATEGORIES

470

138

85

1389