Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%”, nêu rõ 8 ưu tiên trong chính sách kinh tế

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%”, nêu rõ 8 ưu tiên trong chính sách kinh tế

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi thực hiện “chính sách tiền tệ thận trọng” theo cách “có mục tiêu”, đồng thời cho biết tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP của Trung Quốc được dự báo tăng từ 2,8% của năm ngoái lên 3% trong năm nay…

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường (phải) thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Bắc Kinh ngày 5/3 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường (phải) thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Bắc Kinh ngày 5/3 – Ảnh: Reuters

Theo báo cáo công tác Chính phủ công bố ngày 5/3 của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” trong năm 2023. Con số này thấp hơn so với dự báo của đa số các nhà phân tích theo khảo sát của CNBC với mức dự báo bình quân là 5,24%.

Cũng theo báo cáo trên, Trung Quốc đặt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3% trong nay, còn tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị là 5,5%, đồng thời tạo ra khoảng 12 triệu việc làm với tại đô thị. Con số việc làm tạo mới này cao hơn mục tiêu hơn 11 triệu của năm 2022.

Ông Lý Khắc Cường kêu gọi thực hiện “chính sách tiền tệ thận trọng” theo cách “có mục tiêu”, đồng thời cho biết tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP của Trung Quốc được dự báo tăng từ 2,8% của năm ngoái lên 3% trong năm nay.

Trình bày báo cáo này tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 5/3 – cũng là kỳ họp cuối cùng mà ông tham gia dưới cương vị Thủ tướng, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh những thay đổi sắp tới trong bộ máy lãnh đạo trung ương, đồng thời nêu rõ 8 ưu tiên trong chính sách kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.

Ưu tiên thứ nhất là thúc đẩy nhu cầu nội địa – từ tiêu dùng cho đến đầu tư, theo sau là ưu tiên cải thiện hệ thống công nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Các ưu tiên khác bao gồm “tăng cường nỗ lực để thu hút và tối ưu hóa đầu tư nước ngoài”, “ngăn chặn và xoa dịu rủi ro tài chính”, ổn định hoạt động sản xuất ngũ cốc, tiếp tục phát triển xanh và phát triển các chương trình xã hội.

Kỳ họp Quốc hội lần thứ 14 của Trung Quốc dự kéo dài từ ngày 5-13/3 - Ảnh: VCG
Kỳ họp Quốc hội lần thứ 14 của Trung Quốc dự kéo dài từ ngày 5-13/3 – Ảnh: VCG

“Chúng ta phải cố gắng phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, tăng cường giám sát thường xuyên và hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế dựa trên các nền tảng”, báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc nêu rõ.

Dù báo cáo không nêu đích danh tên công ty nào, nhưng các công ty công nghệ như Alibaba thường được xếp vào “nền kinh tế dựa trên nền tảng” – đối tượng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của Bắc Kinh những năm gần đây.

Về thị trường bất động sản, ông Lý Khắc Cường kêu gọi các bên liên quan hỗ trợ người dân mua căn nhà đầu tiên của họ, đồng thời “giúp giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân đô thị mới cũng như người trẻ”.

“Chúng ta phải đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả đối với các doanh nghiệp bất động sản chất lượng cao, giúp họ cải thiện tỷ lệ nợ trên tài sản và ngăn chặn sự tăng trưởng thiếu kiểm soát của thị trường bất động sản nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định của lĩnh vực này”, ông Lý Khắc Cường trình nhấn mạnh trong báo cáo.

Năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch siết chặt kiểm soát đối với các công ty phát triển bất động sản có tỷ lệ nợ cao. Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản đã kéo tụt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm ngoái. Gần đây, Chính phủ nước này tung ra một loạt biện pháp nhằm “giải cứu” thị trường này và thúc đẩy tăng trưởng.

“Chính sách bất động sản của Trung Quốc nhiều khả năg sẽ là hỗ trợ nhu cầu vốn hợp lý của các công ty bất động sản chất lượng cao, và hướng họ vào các lĩnh vực tăng trưởng bền vững”, ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng kiêm giám đốc nghiên cứu Trung Quốc Đại lục tại JLL, nhận xét.

Theo ông Pang, những nhà phát triển bất động sản “không chủ động hoàn thành việc điều chỉnh và chuyển đổi hoạt động kinh doanh sẽ bị thị trường đào thải một cách tự nhiên”.

Năm 2022, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5%. Tuy nhiên, các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm 2 tháng phong tỏa thành phố Thượng Hải và khủng hoảng bất động sản đã kéo tụt tăng trưởng của nước này.

Năm nay, tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ Trung Quốc cũng dự kiến kiện toàn các chức danh Thủ tướng và các bộ trưởng mới. Kỳ họp dự kiến kết thúc vào ngày 13/3.

“Với việc cải tổ hoàn toàn bộ máy Chính phủ, một vấn đề quan trọng cần theo dõi trong vài tháng tới là cách các nhà lãnh đạo mới sẽ thúc đẩy niềm tin của khu vực tư nhân”, Zhiwei Zhang, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, phân tích. “Theo tôi, điều này quan trọng hơn các chính sách tài chính và tiền tệ”.

https://vneconomy.vn/trung-quoc-dat-muc-tieu-tang-truong-khoang-5-neu-ro-8-uu-tien-trong-chinh-sach-kinh-te.htm

Bài viết liên quan

TOP CATEGORIES

470

138

85

1389